Mua suất tái định cư: Quá nhiều rủi ro chăng?
Một lãnh đạo tại ban bồi thường giải phóng mặt bằng tại Tp.HCM đánh giá, trường hợp mua bán suất tái định cư diễn ra khá nhiều
Được nhà nước cấp cho suất tái định cư, tuy nhiên nhiều hộ gia đình không ở mà bán suất này cho những người khác có nhu cầu. Tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên bất chấp những rủi ro có thể gặp phải.
Có nên mua suất tái đinh cư?
Chị L.G (ngụ Hóc Môn, Tp.HCM) đang tìm mua nhà để ở, nhưng với số tiền ít ỏi chị phải nhờ cậy, dò hỏi khắp nơi. Sau những ngày lên mạng tìm kiếm, chị được một môi giới gọi điện và chào bán suất tái định cư. Theo lời môi giới này, chỉ với 600 triệu đồng là chị có nhà ở ngay và hứa sẽ làm thủ tục giấy tờ nhanh gọn.
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng mua bán suất tái định cư đã tồn tại nhiều năm nay. Vì chưa có quy định cụ thể trong luật nên những giao dịch này vẫn theo kiểu “thuận mua vừa bán” và thường không để ý nhiều đến tính pháp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho hay, theo quy định hiện hành, người nhận nhà tái định cư được cấp chủ quyền nhà, song sẽ không được chuyển nhượng trong một thời gian khá dài (từ 5-10 năm).
Nhưng Luật Nhà ở 2014 quy định người sở hữu căn hộ tái định cư có quyền định đoạt đối với căn hộ của mình. Trong khi đó, suất nhà tái định cư cũng là “quyền tài sản” của người dân, vì vậy, họ phải được quyền định đoạt.
Theo một số chuyên gia bất động sản, chuyển nhượng suất tái định cư là nhu cầu thực và khá phổ biến hiện nay. Những giao dịch này được coi là cần thiết và dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu. Nếu đã cấp suất tái định cư cho người dân thì cũng cho họ quyền được chuyển nhượng, mua bán.
Nhưng thực tế, trong quá khứ đã có nhiều vụ việc mua bán suất tái định cư sau khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” đã kéo nhau ra tòa. Tòa đưa ra quyết định là vụ án dân sự, việc mua bán bị xem là vô hiệu. Kết quả, tòa để các bên khôi phục tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Quá nhiều rủi ro!
Một lãnh đạo tại ban bồi thường giải phóng mặt bằng tại Tp.HCM đánh giá, trường hợp mua bán suất tái định cư diễn ra khá nhiều và quan điểm của các cơ quan chức năng là không công nhận việc mua bán đó. Việc chi trả tiền hỗ trợ hoặc giao nhà tái định cư chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc chứ không giao cho người được ủy quyền.
Bên cạnh đó, hiện nay còn xuất hiện tình trạng các đối tượng “cò” mua gom suất tái định cư để đầu cơ. Như vậy, khách hàng sẽ chịu thiệt khi mua lại 1 suất tái định cư qua “cò”, vì giá sẽ bị đội lên cao hơn rất nhiều. Nếu Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân giải tỏa thì họ trở mặt, đòi rút lại tờ ủy quyền, lúc này người mua sẽ cực kỳ bất lợi.
Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Đoàn luật sư Tp.HCM cho biết, hiện nay hầu hết việc mua bán suất tái định cư được thực hiện dưới hình thức ủy quyền toàn phần. Có nghĩa, người có suất tái định cư sẽ ủy quyền cho người mua được toàn quyền thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đóng các khoản thuế, phí liên quan, sau đó sẽ được quyền cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Do việc ủy quyền này là không trái với quy định của pháp luật nên các phòng công chứng vẫn chứng nhận giao dịch cho các bên.
Nhưng khi thực hiện việc mua bán suất tái định cư nêu trên, người mua sẽ gặp rất nhiều rủi ro như: Một số căn hộ tái định cư theo quy định không được chuyển nhượng hoặc bán lại. Khi đó, giao dịch ủy quyền (mua bán) nếu có sẽ không hoàn tất và bên mua sẽ không nhận được nhà vì không thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Thêm nữa, một khi xảy ra tranh chấp thì người mua phải đối mặt với nguy cơ như bên bán đòi tăng giá bán hay tài sản hình thành trong tương lai không được như thỏa thuận ban đầu do sự điều chỉnh từ cơ quan có thẩm quyền hoặc các lý do khác.
Theo khuyến cáo của Luật sư Tư, trong trường hợp vẫn muốn mua suất tái định cư, khi thực hiện việc ủy quyền (mua bán), 2 bên cần dự liệu tất cả tình huống pháp lý có thể xảy ra và thỏa thuận cách thức xử lý trong văn bản ủy quyền để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và hạn chế tranh chấp, nhằm tránh những rủi ro không đáng có sau giao dịch.
Leave a Reply